Thông tư 24/2023 của Bộ Công an chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8. Theo đó, khi bán xe chủ phương tiện phải giữ lại giấy đăng ký và biển số để nộp cho cơ quan công an.
Từ ngày 15/8 tới đây, Thông tư 24/2023 thay thế Thông tư 58/2020 của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi giấy đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực.
Cơ quan đăng ký xe sẽ cấp và quản lý biển số ô tô, xe máy theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh. Biển số định danh sẽ đi theo chủ phương tiện, khi bán xe (cho tặng, thừa kế...) sẽ phải nộp lại giấy đăng ký và biển số cho cơ quan đăng ký phương tiện làm thủ tục thu hồi.
Khi bán xe, chủ phương tiện phải giữ lại giấy đăng ký và biển số (Ảnh minh họa)
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu phương tiện, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi. Nếu quá thời hạn này mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao giấy đăng ký xe, biển số cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì sẽ bị xử phạt.
Nếu không làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số đúng quy định thì chủ xe sẽ bị xử phạt.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, mức phạt khi bán xe không nộp lại biển số được áp dụng theo quy định của Nghị định 100/2019 của Chính phủ.
Cụ thể, tại điểm e Khoản 5 và điểm c Khoản 7, Điều 30 của Nghị định 100 quy định, phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng đối với cá nhân; từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số xe.
Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân; từ 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số xe.
Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, khi chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến phương tiện đó.
Bình luận