Sau hơn một tháng xét xử và nghị án kéo dài, ngày 11/4, TAND TP.HCM sẽ tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Những ‘cánh tay phải’ của bà Trương Mỹ Lan nghẹn lòng khi nói về gia đình
Các bị cáo trong vụ án bị truy tố về các tội: Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo buộc, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB), bị cáo Trương Mỹ Lan nắm giữ 91,5% cổ phần.
Bị cáo Trương Mỹ Lan
Nắm trong tay SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Trong vòng 10 năm, từ 2012 đến 7/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Để thực hiện việc thao túng SCB, bị cáo Lan đã sắp xếp, bố trí những người thân tín vào các vị trí chủ chốt của ngân hàng này như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc…
Tại phiên tòa, các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) và cháu gái Trương Huệ Vân, đều thừa nhận hành vi phạm tội và khai làm theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, trong khi bà Lan vẫn một mực phủ nhận tội danh bị cáo buộc.
Bị cáo khai, bản thân chỉ nắm giữ 4,9% cổ phần SCB, 2 người con gái mỗi người 5% và 30% là của cổ đông nước ngoài; các bạn bè ở Việt Nam nắm 30%.
Về cáo buộc đưa người thân tín vào SCB nắm giữ các chức vụ quan trọng, bà Lan khẳng định, những người ở SCB không phải thân tín của mình.
Các bị cáo tại tòa
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ngoan cố, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải... nên cần loại ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.
Vì vậy, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Lan mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”; từ 19-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; mức án 20 năm tù tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Bị cáo khai ký các văn bản theo chỉ đạo của vợ.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo của SCB và cháu gái bị cáo Lan là Trương Huệ Vân đều khai làm theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan.
Trong quá trình tranh luận, xét thấy nhiều bị cáo ăn năn hối cải, tác động gia đình khắc phục thêm hậu quả nên đại diện VKS đã đề nghị giảm án cho 22 bị cáo, trong đó có bị cáo Trương Huệ Vân, Chu Lập Cơ và Nguyễn Cao Trí.
Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan và Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước), VKS vẫn giữ nguyên quan điểm như truy tố, nhấn mạnh 2 bị cáo này không thành khẩn.
TinLời sau cùng day dứt của các bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị NhànTheo Vietnamnet