Nhà đầu tư cá nhân có tiền vẫn đang băn khoăn, sau Tết nên đầu tư vào đâu trong các kênh đầu tư bất động sản, vàng, chứng khoán... để vừa sinh lời, lại vừa bảo đảm an toàn?
Anh Nguyễn Hưng ở Hà Nội có hơn 2 tỷ đồng và đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tuy nhiên, anh lên kế hoạch đầu tư ngay sau Tết Nguyên đán, nhưng băn khoăn chưa biết nên đầu tư vào đâu để vừa an toàn, vừa có thể sinh lời trong tương lai?
“Gửi tiết kiệm hưởng lãi suất khá an toàn, nhưng nhiều dự báo sau Tết lãi suất sẽ giảm nên tôi muốn đầu tư vào kênh khác có thể sinh lời hơn. Số tiền hơn 2 tỷ đồng, nếu mua một mảnh đất vùng ven có tốt hơn các kênh đầu tư khác hay không?”, anh Hưng phân vân.
Có lẽ, băn khoăn này không chỉ của anh Hưng mà nhiều nhà đầu tư khác cũng cùng chung câu hỏi, khi có số tiền nhàn rỗi không quá lớn. Việc rót tiền vào kênh đầu tư nào sau Tết không phải dễ lựa chọn.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, năm 2020, 2021 đã xuất hiện hiện tượng nhiều người rút một phần tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán và bất động sản. Thế nhưng, sang năm 2023 này, hầu như những người gửi tiết kiệm vẫn chưa nghĩ đến việc rút tiền ra để đầu tư.
Nhà đầu tư băn khoăn nên đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng hay gửi tiết kiệm sau Tết? (Ảnh minh họa)
Theo ông Hiển, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh của số đông người lựa chọn, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023. Lãi suất kỳ hạn 1 năm quanh mức 7-7,5% không phải là thấp.
Với kênh đầu tư vàng, theo chuyên gia, giá vàng tăng nhưng bình quân trong nhiều năm tỷ suất sinh lời cũng chỉ quanh mức 2% thì lợi nhuận cũng không bằng gửi tiền tiết kiệm.
“Câu hỏi đặt ra, có nên mua vàng khi giá vàng đang tăng cao ở mức 1.900-2.000 USD/ounce hay không? Người Việt Nam cũng khó có chuyện rút tiền ngân hàng đi mua vàng tích trữ, tìm kiếm lợi nhuận. Đây là kênh đầu tư an toàn, nhưng không thành xu thế của nhà đầu tư”, ông Hiển nhận định.
Còn với những người muốn tìm lợi nhuận cao hơn khi chọn đầu tư chứng khoán hay bất động sản, ông Hiển phân tích, kênh chứng khoán có thể sinh lời gấp 3 lần gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nhưng là kênh đầu tư không ai dám chắc đều thắng, vẫn có rủi ro nên không thể coi là kênh đầu tư tốt hơn kênh gửi tiết kiệm.
“Đây là kênh đầu tư chỉ dành cho một số người dám chấp nhận rủi ro để có lợi nhuận cao hơn”, ông Hiển nói.
Với kênh đầu tư bất động sản, ông Hiển cho hay, trong nhiều năm những câu chuyện đầu tư bất động sản lãi đến 30-50%, khiến nhiều người cho rằng, việc gửi tiết kiệm lãi suất 7% là quá “bèo”.
Thế nhưng, chu kỳ 2010-2013, rất nhiều đại gia bất động sản mất trắng do đầu tư cực lớn và gặp đúng thời kỳ bất động sản suy thoái.
Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn đầu tư tốt cho những ai tham gia thời điểm này, thị trường tạo ‘sóng’ ở năm 2021. Song, hiện nhiều người ‘ôm’ đất lớn đều rơi vào cảnh khó khăn với những khoản nợ, vay lãi ngân hàng.
“Năm 2023, 7% lãi suất ngân hàng có thắng được việc hấp dẫn của bất động sản không, nhà đầu tư có quyền chọn lựa. Nhưng tôi cho rằng, sự chọn lựa bất động sản sẽ không thành phong trào như năm 2020, 2021.
Sẽ không còn chuyện mạnh dạn vay ngân hàng mua đất, cứ mua là thắng. Bất động sản vẫn là kênh đầu tư lớn, quan trọng với nhiều nhà đầu tư,nhưng không còn chuyện ‘lướt sóng’, không còn chuyện đầu tư bất động sản để sau 6 tháng hoặc 1 năm sau tăng 15-20%, hầu như không có chuyện này trong năm 2023. "Vẫn có người lựa chọn đầu tư nhưng đây không còn là kênh đầu tư tiêu biểu cho năm nay”, ông Hiển đánh giá.