"Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa" là một kỷ niệm riêng của gia đình họ Võ, nhưng bản thân nó lại chứa đựng ký ức chung về những biến động của cả dân tộc.
"Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa" là một kỷ niệm riêng của gia đình họ Võ, nhưng bản thân nó lại chứa đựng ký ức chung về những biến động của cả dân tộc.
Chiều 7/9, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L’Espace đã diễn ra buổi tọa đàm Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa với sự tham gia của các diễn giả: Nhà văn Ngô Thảo, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier và biên tập viên nhà xuất bản Hội nhà văn Đào Bá Đoàn.
Các diễn giả buổi tọa đàm (từ trái qua phải): Nhà văn Ngô Thảo (đứng), nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier và biên tập viên nhà xuất bản Hội nhà văn Đào Bá Đoàn. Ảnh: Trần Lâm. |
Tọa đàm được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên, tuyển tập tác phẩm của ba nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo và Băng Thanh. Cũng trong tọa đàm, khán giả đã có cơ hội khám phá những thước phim chưa từng được trình chiếu do phụ thân của ba tác giả cuốn sách - cố Tổng đốc Nguyễn triều Võ Chuẩn - làm đạo điễn.
Lời thì thầm của ba người con gái Huế
Cuốn sách là tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của ba ái nữ nhà họ Võ: Truyện Hai gốc cây của Minh Đức Hoài Trinh, Những đêm mưa của Linh Bảo và hồi ký Những câu chuyện một cuộc đời của Băng Thanh.
Mỗi tác phẩm là một mảnh hồi ức, một sự chiêm nghiệm về tình yêu, hôn nhân và gia đình mà các tác giả trải nghiệm thời son trẻ. Qua những trang văn này, người đọc sẽ có cơ hội tận nhìn “một giai đoạn lịch sử của nước Việt Nam, giai đoạn chuyển mình từ trạng thái cổ kính truyền thống đến trạng thái hiện đại ngày nay với tất cả những tấn bi hài kịch của nó”.
Bìa sách Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa. Ảnh: Trần Lâm. |
Băng Thanh là nhà giáo, dịch giả. Linh Bảo và Minh Đức Hoài Trinh là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trong những năm 70 của thế kỷ 20. Điểm giao kết giữa ba tác phẩm của ba tác giả, đó là các bà đều tráng lên tác phẩm của mình một giọng văn nhỏ nhẹ, nữ tính, bất kể nội dung hay tính chất hư cấu - phi hư cấu khác nhau giữa các tác phẩm.
Lời thì thầm của người con gái Huế xưa sẽ đem đến nhiều chi tiết tương đối xa lạ với độc giả trẻ hiện nay, như: Đời sống của quan lại và trí thức ngày xưa, hôn nhân đa thê (thậm chí vợ cả đi hỏi vợ lẽ cho chồng), đại gia đình nhiều con cái, vấn đề trọng nam khinh nữ...
Riêng hồi ký Những câu chuyện một cuộc đời còn đề cập đến thời kỳ cải cách ruộng đất - một đề tài khá quen thuộc trên văn đàn những năm gần đây. Hồi ký tái hiện một hiện thực khốc liệt, thậm chí cay đắng, chìm lấp dưới giọng văn bình tĩnh, lạc quan của Băng Thanh, nơi đó, hình ảnh về một người phụ nữ Việt Nam hiện lên đầy phi thường.
Tổng đốc Võ Chuẩn (phải), phu nhân Tôn Nữ Thị Lịch (trái) (ảnh trên) và ba người con gái (từ trái qua phải): Băng Thanh, Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo. Ảnh: Báo Văn nghệ Công an. |
Các bà Võ Tá Mỹ Ngọc, Võ Phan Thanh Giao Trinh và Phan Thanh Hảo - thế hệ tiếp nối của ba nữ sĩ, đã chọn lọc tác phẩm của các mẹ để đưa vào xuất bản tập sách này, như một kỷ vật của gia đình.
Ban đầu, cuốn sách được đặt tên là Lời thì thầm của ba người con gái sông Hương, về sau, chính gia đình tác giả đã đổi “sông Hương” thành “xứ Huế”. Ông Đào Bá Đoàn, người trực tiếp biên tập cuốn sách cho rằng: Đây là cái tên phù hợp nhất với tác phẩm, phù hợp ở chính xuất thân, câu chuyện, giọng văn của các tác giả và tính thì thầm của nó.
Đại diện gia đình cũng chia sẻ mong muốn trong tương lai sẽ lược dịch cuốn sách ra tiếng Anh và tiếng Pháp, bên cạnh các tác phẩm của bà Linh Bảo vốn từng được dịch ra tiếng nước ngoài và được đưa vào các tuyển tập sách hay trên thế giới.
Những thước phim “lưu vong” nửa thế kỷ
Trước khi buổi tọa đàm bắt đầu, một đoạn phim tư liệu lịch sử dài 19 phút đã được trình chiếu. Đoạn phim này được cắt ra từ thước phim 140 phút, nằm trong tám cuộn phim 8 mm mà cố Tổng đốc Võ Chuẩn đã thực hiện.
Sau năm 1964, bà Minh Đức Hoài Trinh mang số phim này sang Pháp, gửi nhà báo người Anh David Willey lưu giữ ở Vatican. Nhà báo đã chuyển lại di sản này cho đại diện gia đình họ Võ tại Mỹ vào năm 2017, sau khi ông hay tin nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh qua đời.
Lời kể đầy nước mắt của bà Thanh - một người bạn - về những kỷ niệm thời kỳ kháng chiến với nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh ở Thanh Hóa. Ảnh: Phan Lê Thế Hoan. |
Những thước phim này được cụ Võ Chuẩn thực hiện bằng máy quay gần như với tư cách đạo diễn khi còn làm Tổng đốc ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Huế, dưới thời vua Bảo Đại, trong khoảng thời gian 1930-1939.
Chúng hoàn toàn có tính chất nghiệp dư, kỹ thuật không cao, nhưng đây là những tư liệu rất quý. Cụ Võ Chuẩn tổ chức quay những hoạt động của mình như: Thăm lễ hội đâm trâu cùng vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương; dự lễ Phật đản; đưa các em học sinh đi nghỉ mát, đưa tới các trang trại của nông dân; hoạt động của xưởng gốm; các hoạt động nông nghiệp, quân đội hiện đại thời đó...
Bên cạnh đó, những thước phim cũng phản ánh tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo khi xưa: Cụ quan tâm đến các vấn đề nâng cao dân trí, chú trọng canh nông, dẫn thủy nhập điền...
Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương xuất hiện tại lễ đâm trâu qua ống kính máy quay của Tổng đốc Võ Chuẩn. Ảnh: Tạ Đình Đoàn. |
Tài liệu hoạt ảnh về triều Nguyễn còn tồn tại vốn đã ít, nhưng những thước phim này càng hiếm hoi và giá trị hơn bởi có rất ít máy quay từ phía người Việt để quay phim vào thời điểm đó. Thời gian đã làm những hình ảnh ít nhiều bị nhòe mờ đi nhưng vẫn để lại cho chúng ta nhiều tư liệu và kỷ niệm về lịch sử cũng như văn hóa dân tộc có giá trị.
Sau khoảng 80 năm, chất lượng hình ảnh còn tương đối tốt. Nhờ vậy, hai người bạn là đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình - chắt ngoại (đời thứ tư) của cụ Võ Chuẩn, Giám đốc Công ty BHD và nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier, đã dự tính thực hiện một dự án phim tài liệu về lịch sử - xã hội Việt Nam thế kỷ 20, trong đó làm sống lại những thước phim của cố Tổng đốc Võ Chuẩn, với tên gọi Le Mandarin dans l’Ombre (tạm dịch: Góc khuất của vị Tổng đốc). Ông Jean Noel Poirier chia sẻ, hiện nhà sản xuất tìm nguồn tài trợ để đầu tư cho các vấn đề kỹ thuật của phim.
“Lời thì thầm” để lại ở cuốn sách của ba nữ sĩ là một giai điệu buồn, bởi họ sinh trưởng vào thời đất nước tao loạn, nhiều biến cố lịch sử liên tiếp diễn ra. Nhưng những ký ức đau buồn là chuyện của một thế hệ đã qua. Điều đẹp đẽ còn sót lại sẽ là những dòng mực xưa, thước phim cũ, như những mảnh ghép tiếp tục làm rõ thêm bức tranh toàn cảnh Việt Nam thế kỷ 20.
Tạ Đình Đoàn
Lời thì thầm của Huế ba người con gái Huế xưacon gái HuếHội nhà vănxứ Huế