Trang Chủ / Đời Sống / Ngân hàng sữa mẹ” cưu mang sức khỏe đầu đời cho trẻ sơ sinh

Ngân hàng sữa mẹ” cưu mang sức khỏe đầu đời cho trẻ sơ sinh

Đời Sống

Tháng 7/2020, “Ngân hàng sữa mẹ” của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh chính thức đi vào hoạt động và là “Ngân hàng sữa mẹ” thứ 3 trong nước và đầu tiên của miền Bắc. Từ đó, hàng nghìn trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý ở Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được dùng sữa mẹ hoàn toàn ngay sau sinh, giúp phòng ngừa được các bệnh lý liên quan nhiễm khuẩn, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong.

Ngân hàng sữa mẹ” cưu mang sức khỏe đầu đời cho trẻ sơ sinh

“Ngân hàng sữa mẹ”, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là “Ngân hàng sữa mẹ” thứ 3 trong nước và đầu tiên của miền Bắc

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà, Trưởng Khoa Sơ sinh, phụ trách “Ngân hàng sữa mẹ”, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, chia sẻ: “Trung bình hàng năm bệnh viện có 2.500 trẻ sinh ra nhập khoa sơ sinh, trong đó có khoảng 350 trẻ sinh non đều có nhu cầu dùng sữa mẹ, mặt khác cả nước triển khai 2 “Ngân hàng sữa mẹ” ở Bệnh viện Phụ Sản-Nhi Đã Nẵng, Bệnh Viện Từ Dũ, miền Bắc chưa có bệnh viện nào triển khai mô hình. Ngoài ra, các bà mẹ mắc bệnh lý sản khoa, mang nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, HIV… nên các bé rất cần nguồn sữa mẹ sau sinh, từ những lý do cấp thiết trên bệnh viện đã thành lập và triển khai đưa mô hình “Ngân hàng sữa mẹ”.

Từ khi triển khai mô hình đã được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng. Hoạt động của “Ngân hàng sữa mẹ” còn có nhiệm vụ hỗ trợ thông tin cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.

“Ngân hàng sữa mẹ tại bệnh viện được vận hành trên cơ sở thu nhận nguồn sữa tự nguyện hiến tặng từ các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ dưới 12 tháng tuổi. Nhiều bà mẹ thấy được ý nghĩa của việc hiến sữa họ đã tuyên truyền cho nhiều bà mẹ khác, thêm vào đó cùng với truyền thông của bệnh viện nên rất thuận lợi về nguồn sữa để duy trì hoạt động của “Ngân hàng sữa mẹ”. Đặc biệt, không chỉ có những bà mẹ sinh con ở bệnh viện Sản Nhi Quang Ninh hiến sữa mà còn có các bà mẹ sinh con ở các bệnh viện khác trong tỉnh cũng đăng ký hiến sữa”, bác sĩ Hà cho biết thêm.

Ngân hàng sữa mẹ” cưu mang sức khỏe đầu đời cho trẻ sơ sinh

Một góc nhỏ "Ngân hàng sữa mẹ" tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh - nơi hàng năm cung cấp lượng lớn nguồn sữa mẹ hiến tặng thanh trùng quý giá

Nguồn sữa mẹ hiến tặng được giám sát chặt chẽ thông qua các xét nghiệm sàng lọc, phỏng vấn, kiểm tra hồ sơ bệnh án định kỳ và đột xuất.

Bác sĩ Hà chia sẻ thêm: “Kiểm soát đầu vào chặt chẽ, đối với các bà mẹ hiến sữa, bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chí về sức khỏe phải tốt, không mắc các bệnh lý có thể lây qua đường sữa mẹ như viêm gan B, C, HIV, giang mai... và tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, thuốc ảnh hưởng tới chất lượng sữa mẹ. Bà mẹ nào sinh tại bệnh viện thì mới nắm được bệnh án của họ còn những bà mẹ không sinh tại viện thì lúc đó sẽ có bộ phỏng vấn trong quá trình tìm hiểu của nhân viên y tế, làm xét nghiệm, sàng lọc các bệnh lý cho bà mẹ. Khi tham gia hiến tặng sữa, các bà mẹ đều được tư vấn về cách vắt sữa đảm bảo vệ sinh từ khâu vệ sinh tay đến khâu khử khuẩn dụng vụ vắt; sau khi vắt sữa cách bảo quản, nhiệt độ tủ bảo quản, túi/bình sữa có ghi tên, ngày giờ vắt để phân biệt hoặc có thể truy xuất khi có sự cố…”

Để các bà mẹ biết đến “Ngân hàng sữa mẹ” ngoài kênh tuyên truyền trên các mạng xã hội, bà mẹ điều trị tại bệnh viện, các mẹ có con sử dụng sữa mẹ hiến tự tuyên truyền với nhau, hay các buổi giáo dục tiền sản thì bệnh viện cũng sẽ lồng ghép. Ngoài những thuận lợi còn có những khó khăn khi “Ngân hàng sữa mẹ” hoạt động.

“Khó khăn nhất khi gặp phải là quá trình thu gom sữa vì tỉnh Quảng Ninh trải dài, mình không thể mất công đi đường dài được, nhân lực thì cũng không có, phương tiện thì không. Trong thời đầu bệnh viện thành lập mô hình, bệnh viện không thu tiền của các gia đình có trẻ sử dụng sữa từ “Ngân hàng sữa” mà hoàn toàn từ lương nhân viên ủng hộ, từ tiền đi lấy mẫu, thanh trùng sữa, điện, máy móc, hóa chất làm xét nghiệm cho bà mẹ hiến sữa”, Bác sĩ Hà nói.

Ngân hàng sữa mẹ” cưu mang sức khỏe đầu đời cho trẻ sơ sinh

Quy trình xét nghiệm sữa sẽ được Khoa Xét nghiệm của bệnh viện thực hiện, tất cả các quy trình đều được đảm bảo nghiêm ngặt về kỹ thuật. Hồ sơ quản lý người mẹ hiến tặng sữa cũng được lưu trữ trên hệ thống của bệnh viện

Từ khi đi vào hoạt động đến tháng 1/2024 có khoảng 132 bà mẹ hiến sữa đến, thu được 4.600l, cung cấp được khoảng 4.300l cho trẻ sử dụng.

Bác sĩ Hà cho biết thêm: “Có những nghiên cứu tại bệnh viện thực hiện năm 2020, 2021 khi “Ngân hàng sữa mẹ” đi vào hoạt động đã làm giảm tỷ lệ tử vong sau sinh, cứu sống trẻ đạt cao hơn, khi chưa có sữa mẹ hiến tặng thanh trùng em bé sẽ nằm viện lâu hơn. Đặc biệt, các bé không phải sử dụng sữa công thức nữa, tạo sự gắn kết giữa bà mẹ với con hơn, con được gần gũi mẹ sớm hơn sẽ kích thích bà mẹ ra sữa dần thay thế sữa thanh trùng, làm tăng tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn lên rất nhiều. Thời điểm dịch Covid -19 quá trình chăm sóc con và mẹ tại bệnh viện cách ly rất khó khăn, chính vì thế “Ngân hàng sữa mẹ” đã cung cấp lượng sữa lớn cho bé sinh ra có bà mẹ mắc Covid-19”.

Trung bình 1 tháng có 4 bà mẹ hiến sữa mới bên cạnh những bà mẹ cũ. Ngoài những bà mẹ sinh tại Bệnh viên Sản Nhi hiến sữa còn có các bà mẹ sinh ở các bệnh viện khác trong tỉnh dư sữa cũng hiến sữa thiện nguyện cho “Ngân hàng sữa mẹ”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng, nhân viên của “Ngân hàng sữa mẹ” chia sẻ: “Thu gom sữa thô của cùng 1 bà mẹ có mã tên riêng, thời gian vắt riêng. Trộn sữa 1 bà mẹ hết vào 1 mẻ, chia nhỏ ra các bình rồi mang sữa thô đi xét nghiệm sau đó thanh trùng 1 – 2 tiếng, sau thanh trùng tiếp tục mang sữa đi xét nghiệm. Trước và sau thanh trùng nếu xét nghiệm đạt yêu cầu không có vi khuẩn thì chuyển sang tủ sẵn sàng sử dụng. Sữa thô thời gian trữ được 3 tháng kể từ ngày vắt đầu tiên với nhiệt độ -40°C và sữa sau thanh trùng chuyển sang tủ sẵn sàng sử dụng cũng trữ được 3 tháng với nhiệt độ -24°C”.

Ngân hàng sữa mẹ” cưu mang sức khỏe đầu đời cho trẻ sơ sinh

Hiện "Ngân hàng sữa mẹ" có 5 nhân viên y tế thực hiện các quy trình từ thu gom đến bảo quản, quản lý, thanh trùng và cấp sữa đến các khoa có trẻ cần sử dụng

Trung bình 1 ngày tại Bệnh viên Sản Nhi Quảng Ninh có khoảng 15 - 20 trẻ được dùng thanh trùng của “Ngân hàng sữa mẹ”. Nguồn sữa ưu tiên các bé sinh non tháng đang tập ăn mà mẹ chưa có sữa, các mẹ có bệnh lý, các bé khỏe mạnh mà mẹ chưa có sữa.

Bác sĩ Phạm Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viên Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: “Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng từ “Ngân hàng sữa mẹ” kiểm soát được chất lượng nguồn sữa. Hiện tại, chủ yếu tập trung cho nhóm trẻ sinh non, thiếu cân sức đề kháng kém, điều trị dài ngày các bé rất dễ bị viêm ruột và nhiễm khuẩn, chính nguồn sữa mẹ hiến tặng thanh trùng có giá trị góp phần làm giảm tỷ lệ đó, tăng sức đề kháng cho các bé hơn là sữa công thức. Nếu ăn sữa ngoài thì tỷ lệ viêm ruột hoại tử của trẻ sơ sinh sẽ cao, có nguồn sữa từ “Ngân hàng sữa mẹ” góp phần rất lớn vào việc làm giảm việc nuôi dưỡng trẻ bằng đường truyền tĩnh mạnh từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng, làm giảm thời gian điều trị, bớt gánh nặng cho gia đình và cho bệnh viện”.

Với hiệu quả trong thực tiễn mà “Ngân hàng sữa mẹ” đã mạng lại góp phần lan toả giá trị nhân văn “Mẹ sinh ra 1 bé nhưng mẹ có thể làm mẹ của nhiều em bé khác”.

Bác sĩ Hằng cũng cho biết thêm: “Các bác sĩ cũng mong muốn nhân rộng “Ngân hàng sữa mẹ” ra các bệnh viện tuyến dưới hoặc có thể sử dụng “Ngân hàng sữa mẹ” vệ tinh thu gom nguồn sữa mẹ hiến tặng ở các tuyến dưới vận chuyển về Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh để thực hiện các công đoạn thanh trùng rồi cấp phát lại cho các đơn vị. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách hỗ trợ đối với những bà mẹ hiến sữa sẽ đảm bảo nguồn cung rất tốt hơn. Đồng thời đề xuất Bộ Y tế đưa “Ngân hàng sữa mẹ” vào chi phí bảo hiểm y tế để có nhiều trẻ sơ sinh được tiếp cận "Ngân hàng sữa mẹ", có cơ hội được phát triển tốt hơn ngay từ khi chào đời".

V. Hùng

Nguồn: Nguồn giadinhonline.vn

Ngân hàng sữa mẹ” cưu mang sức khỏe đầu đời cho trẻ sơ sinh - Đời Sống