Trên chặng đường lớn lên của Thạch Phụng Minh, bố mẹ dường như đã trở thành hai từ bình thường, những cái tên lạ lẫm nơi phương trời xa.
Gần một tháng từ khai giảng năm học mới, mùa hè đã kết thúc, tiếp theo là chuỗi ngày xách cặp đến lớp, gặp bạn bè, làm bài tập... Tất cả ghép thành những mảnh ký ức tuổi thơ của cả một thế hệ em nhỏ.
Nhớ về những ngày thơ ấu, nhiều người thường nhớ đến những lần được bố mẹ đưa đến công viên vui chơi, mỗi ngày cố gắng làm xong bài tập để được xem tivi...
Thế nhưng ở Trung Quốc, có những đứa trẻ không được hưởng "diễm phúc" này. Chúng thiếu vắng hình bóng cha mẹ, đồng hành với chúng suốt chặng đường tuổi thơ là ông bà nội già và nơi thôn quê nghèo, không hề biết đến cái gọi là khu vui chơi, mỗi tuần được ông bà cho vài đồng đi mua cái kẹo miếng bánh đã là hạnh phúc to lớn.
Chúng chính là những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn - một hiện tượng phổ biến trong xã hội Trung Quốc, khi những đứa trẻ sinh ra được ông bà nuôi lớn ở nông thôn, bố mẹ phải lên thành phố mưu sinh, một năm gia đình chỉ đoàn tụ 1-2 lần, thậm chí là 2-3 năm họ mới về quê thăm con một lần.
Trong số những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn ấy, câu chuyện của cô bé Thạch Phụng Minh đặc biệt khiến người ta đau xót khôn nguôi. Câu chuyện của em đã được Đài NHK (Nhật Bản) quay thành thước phim tài liệu "Dòng sông khô cạn" (tạm dịch) lấy đi nước mắt vô số người.
Đứa trẻ bị bỏ rơi
Khi thước phim được bắt đầu quay, Thạch Phụng Minh chỉ mới 12 tuổi, đang học lớp 6 nội trú ở ngôi trường làng có 367 học sinh, trong đó hết 80% em là trẻ bị bỏ lại nông thôn.
Thành tích học tập của học sinh trường này không được tốt lắm, nhiều em chỉ lén chơi điện thoại, thậm chí còn thường xuyên xảy ra đánh nhau, khiến giáo viên vô cùng đau đầu.
Trong ngôi trường này, Thạch Phụng Minh như một sự tồn tại cô độc. Các bạn chung phòng xa lánh em, nói em bẩn thỉu, đầu có chấy, thậm chí không muốn nằm ngủ cạnh em. Giáo viên phê bình em tự ti, không hòa đồng, không biết hòa nhập cùng các bạn.
Trong buổi tổng vệ sinh, các bạn tụ thành nhóm vừa cười nói vừa lau cửa sổ, nhưng ống kính chỉ quay được hình bóng đơn độc của em, một tấm lưng nhỏ bé đang cố gắng làm tròn nhiệm vụ được giao.
12 tuổi, là tuổi ăn tuổi chơi, nhưng "hoạt động giải trí" của em chỉ là cúi mặt làm bài tập, mệt rồi thì đi vài vòng sân trường. Một mình, cũng vì thế mà em bị người ta nói đã mắc chứng tự kỷ.
Một lần nọ, giáo viên đến thăm nhà, họ đã thấy rõ sự u tối trong cuộc đời của cô bé Thạch Phụng Minh. Ngoài sự đơn độc ít nói, còn có cái nghèo bủa vây lấy cuộc sống của em.
Em được ông bà nội nuôi lớn, nhưng một người 70 tuổi, người kia 78 tuổi, chăm sóc bản thân còn chưa nổi chứ nói gì đến chăm nom đứa trẻ. Ông bà cho cháu gái đến trường bằng tiền bán lúa bán trấu, trong nhà đến cả 10 NDT (hơn 33 nghìn đồng) tiền mặt còn không có, cho cháu 5 NDT (hơn 15 nghìn đồng) tiền tiêu vặt mỗi tuần khó như lên trời.
Giáo viên đến thăm nhà ông bà nội của cô bé Thạch Phụng Minh
Thật ra, Thạch Phụng Minh còn một đứa em trai. Nhưng vì cũng là đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn được ông bà nuôi nấng, khi cô bé 4 tuổi, em trai 2 tuổi đã bị đuối nước vì vô tình rơi xuống hồ trong thôn.
Con chết, bố mẹ cãi nhau, trách cứ hai người già ở nhà "không biết chăm sóc cháu", cuối cùng hai vợ chồng cũng đã ly hôn. Kể từ đó, họ không hề gửi về nhà một đồng nào, xem như con gái không còn tồn tại.
Cũng vì vậy, trên chặng đường lớn lên của Thạch Phụng Minh, bố mẹ dường như đã trở thành hai từ bình thường, những cái tên lạ lẫm nơi phương trời xa.
"Tim mình như dòng sông khô cạn"
Lớn lên trong hoàn cảnh này, Thạch Phụng Minh dần hình thành nên tính cách cô độc, né tránh đám đông, tự thu mình. Em dùng dây gai bao bọc trái tim, từ chối thổ lộ tiếng lòng ra thế giới bên ngoài, đồng hành với em là ánh mắt mơ hồ trong lớp học và những lần nhìn chằm chằm vào khoảng không.
Chỉ khi nhìn vào dòng nhật ký, chúng ta mới hiểu được suy nghĩ thật sự của cô bé. Em viết:
"Mình rất ngưỡng mộ những ai có bố mẹ, ngưỡng mộ lắm, những lần tự ti của mình cũng nhiều hơn".
"Mỗi khi ở một mình, trái tim như cái hố không đáy, lúc nào cũng có tâm sự không thể nói hết".
"Chỉ cần có ai đó đứng trước mặt, trái tim mình như dòng sông khô cạn, thốt ra những lời nói dối".
Em chỉ có một chú chó con làm bạn. Em viết: "Nó rất dễ thương, lại ngoan. Chỉ cần mình huýt sáo một tiếng, nó sẽ chạy lại".
Thế nhưng khi đoàn làm phim đến thăm nhà, họ không thấy chó con đâu, sau đó mới biết "nó đã bị chia đôi, một phần cho thầy giáo, một phần cho ông bác".
Đối diện trước ống kính, Thạch Phụng Minh vẫn cười thật tươi, nhưng ánh mắt đảo đi nơi khác đã bán đứng em.
Trên tường nhà có dòng chữ ghi ước mơ của em: "Đậu đại học, báo hiếu cho ông bà nội". Khi trước ống kính, em nói rằng học hết tiểu học sẽ nghỉ, ước mơ kia chỉ là giả mà thôi.
Em nói: "Con chỉ thích bản thân thôi, chỉ nói cho mình nghe, không muốn kể cho người khác". Khi được đạo diễn hỏi em có nhớ bố mẹ không, em trả lời: "Không hận cũng không nhớ".
Hai con người đứt ruột sinh em ra đã sớm trở thành người dưng nước lã.
Em nói khi lớn lên chỉ muốn làm người sống được ngày nào hay ngày đó. Người quay phim hỏi em vì sao không muốn sống tốt hơn, em chỉ nói: "Con có thể sống tốt hơn sao? Con còn có thể làm gì được nữa?".
Mỗi câu em nói ra đều khiến người khác phải ngậm ngùi suy nghĩ, không cách nào đáp lại.
Điểm chút sắc màu vào tuổi thơ xám xịt
Trường học của Thạch Phụng Minh có 136 em học sinh ở nội trú. Vì để tiện liên lạc, giáo viên đã mở một nhóm trò chuyện trên ứng dụng nhắn tin, năm lần bày lượt nhắc nhở bố mẹ các em tham gia. Nhưng một học kỳ trôi qua, trong nhóm chỉ vỏn vẹn 15 phụ huynh. Giáo viên chỉ đành lắc đầu thở dài: "Họ không hề quan tâm đến con cái của mình".
Ở Trung Quốc có khoảng 9,02 triệu trẻ em bị bỏ lại nông thôn, một số có hoàn cảnh gia đình tương tự như Thạch Phụng Minh, một số có cha mẹ làm việc bên ngoài quanh năm nên mối quan tâm với con cái dần "nhạt như nước ốc".
Cha mẹ vắng bóng trong cuộc đời các em, phần lớn sống với ông bà, tuy nhiên, ông bà đều đã già, chỉ có thể âm thầm lớn lên trong môi trường thiếu sự chăm sóc. Bị núi non "trói buộc", ông bà cũng khó khăn, có khi các em còn không đủ ăn.
Điều khiến người ta phải thở dài hơn cả sự thiếu thốn vật chất chính là sự nghèo nàn trong thế giới tinh thần. Nhiều đứa trẻ còn không biết thủ đô của Trung Quốc ở đâu. Trẻ nhà người ta đều ước mơ trở thành nhà khoa học, bác sĩ, phi công, nhưng trẻ bị bỏ lại nông thôn chỉ ước lớn lên đi làm kiếm tiền. Đó là cách sống của cha mẹ chúng, và cũng là tương lai bị chúng mặc định gán ghép vào cuộc đời của mình.
Như nhà tâm lý học người Áo, Alfred Adler đã nói: "Người may mắn được chữa lành bởi tuổi thơ trong suốt cuộc đời của họ, còn người không may mắn lại dành cả đời đi chữa lành tuổi thơ".
Những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn cách ly với sự hào nhoáng, xa cách cha mẹ bởi nhiều ngọn núi và miền quê nghèo, chỉ có thể lớn lên trong cô đơn và đau khổ.
Tuy nhiên, các em cũng là những sinh mệnh cần được quan tâm và chăm sóc. Cùng chung sống dưới một bầu trời, hãy cho nhau vài cái ôm, sự thân tình và đồng cảm. Bằng cách này, tuổi thơ xám xịt của các em mới có thể thêm chút màu sắc.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Nhật ký trào nước mắt của người con 30 năm xa xứ gửi chaSau 30 năm xa xứ, lần đầu tiên được gội đầu kỳ lưng cho bố, con thật sự thấy có lỗi...
Người phụ nữ 54 tuổi chạy xe ôm nuôi mẹ già, viết nhật ký bằng thơ
Để nuôi mẹ, người phụ nữ ở TP.HCM bắt đầu làm nghề chạy xe ôm công nghệ ở tuổi 54. Dù công việc khá vất vả nhưng chị luôn lạc quan và thường xuyên viết nhật ký bằng thơ.
Đọc nhật ký bà ngoại để lại trước lúc lâm chung, cô gái khóc nức nở
Cầm cuốn nhật ký bà ngoại gửi lại trước lúc lâm chung, Bảo Châu bùi ngùi xúc động. Ký ức về người bà dành hết tình yêu thương cho đứa cháu ngoại chịu nhiều thiệt thòi khiến cô rưng rưng nước mắt.
Bình luận